CẤP CỨU NGỪNG TUẦN HOÀN HÔ HẤP
1. ĐẠI CƯƠNG
– Ngừng tuần hoàn là tình trạng tim đột ngột ngừng hoạt động hoặc còn hoạt động điện học nhưng không co bóp. Ngừng tuần hoàn là một tối cấp cứu vì có thể xảy ra đột ngột bất kỳ lúc nào với bất kỳ ai và ở bất kỳ đâu.
– Hồi sinh tim phổi cần được bắt đầu ngay lập tức sau khi phát hiện người bệnh ngừng tuần hoàn. Do khoảng thời gian từ khi gọi cấp cứu đến khi kíp cấp cứu có mặt để cấp cứu người bệnh thường trên 5 phút, nên khả năng cứu sống được người bệnh ngừng tuần hoàn phụ thuộc chủ yếu vào khả năng và kỹ năng cấp cứu của người cấp cứu tại chỗ.
– Trong cấp cứu ngưng tuần hoàn cần tiết kiệm tối đa thời gian do vậy cần nhanh chóng tiếp cận người bệnh nghi ngờ ngừng tuần hoàn, gọi hỗ trợ sớm và nhanh chông tiến hành cấp cứu tại chỗ.
– Trước đây, cấp cứu ngừng tuần hoàn thường bị gián đoạn để đặt nội khí quản, để đặt đường truyền tĩnh mạch… Từ năm 2010, Hiệp hội tim mạch Mỹ khuyến cáo không nên gián đoạn cấp cứu ngừng tuần hoàn vì bất cứ lý do gì, ngay cả sốc điện cũng nên được thực hiện sau 2 phút cấp cứu hồi sức tim phổi cơ bản. Theo một số nghiên cứu cho thấy hầu hết các trường hợp cấp cứu ngừng tuần hoàn trước và trong bệnh viện đều không phù hợp vì thời gian gián đoạn ép tim quá nhiều, ép tim quá nôngng hoặc quá chậm.
2. CHỈ ĐỊNH
Người bệnh ngưng tuần hoàn hô hấp.
3. CHẨN ĐOÁN
3.1. Chẩn đoán xác định
Dựa vào 3 dấu hiệu gồm mất ý thức đột ngột, ngừng thở hay thở ngáp, mất mạch.
3.2. Chẩn đoán phân biệt
– Phân biệt vô tâm thu với rung thất sóng nhỏ: Cần xem điện tim trên ít nhất 2 chuyền đạo.
– Phân biệt phân ly điện cơ với sốc, trụy mạch: Cần bắt mạch ở 2 vị trí trở lên.
3.3. Chẩn đoán nguyên nhân
Song song với cấp cứu hồi sinh tim phổi cơ bản, cần nhanh chóng tìm kiếm nguyên nhân gây ngừng tuần hoàn để giúp cấp cứu có hiệu quả và ngăn ngừa tái phát. Các nguyên nhân gây ngừng tuần hoàn thường gặp và có thể điều trị nhanh chóng abc gồm 10 yếu tố (5H + ST):
– Thiếu oxy tổ chức, toan hóa máu, thiếu thể tích tuần hoàn, tăng kali, hạ đường máu, hạ thân nhiệt
– Ngộ độc, chèn ép tim cấp, tràn khí màng phổi, tắc mạch, chấn thương.
4. CẤP CỨU TẠI CHỖ
– Xử trí cấp cứu ngừng tuần hoàn được khởi động ngay từ khi phát hiện trường hợp nghi ngờ ngừng tuần hoàn. Người cấp cứu vừa tiến hành tiếp cận người bệnh, gọi người hỗ trợ vừa bắt đầu các biện pháp hồi sinh tim phối cơ bản ngay.
– Khi có nhiều người cần có 1 người là chỉ huy để phân công, tổ chức cấp cứu đúng trình tự và đồng bộ.
– Cần ghi nhớ thời điểm tiếp cận người bệnh và bắt đầu cấp cứu.
– Thiết lập không gian cấp cứu đủ rộng và hạn chế tối đa những người không tham gia cấp cứu vào và làm cản trở công tác cấp cứu.
– Nhanh chóng đặt người bệnh nằm trên 1 mặt phẳng cứng để có thể tiến hành làm hồi sinh tim phổi cơ bản.
– Tiến hành ngay hồi sinh tim phổi cơ bản:
+ Kiểm soát đường thở:
– Đặt ngửa đầu, cổ ưỡn, thủ thuật kéo hàm dưới – nâng cằm.
Chú ý trường hợp nghi ngờ hoặc có chấn thương cột sống cổ không làm thủ thuật kéo hàm – nâng cằm.
Móc sạch đờm dãi hay dị vật trong miệng nếu có. Làm thủ thuật Heimlich nếu có nghi ngờ dị vật đường thở.
Kiểm soát và hỗ trợ hô hấp: Thổi ngạt hoặc bóp bóng.
+ Nếu người bệnh không thở: Thổi ngạt hoặc bóp bóng 2 lần liên tiếp. Sau đó kiểm tra mạch.
+ Nếu có mạch: Tiếp tục thổi ngạt hoặc bóp bóng.
+ Nếu không có mạch: Thực hiện chu kỳ ép tim – thổi ngạt (hoặc bóp bóng) theo tỷ lệ 30/2.
+ Nhịp thở nhân tạo (thổi ngạt, bóp bóng) thổi vào trong 1 giây, đủ làm lồng ngực phồng lên nhìn thấy được với tần số nhịp là 6 – 8 lần/phút đối với người lớn, 12 – 20 lần/phút đối với trẻ nhỏ và nhũ nhỉ.
+ Nối oxy với bóng ngay khi có oxy.
+ Kiểm soát và hỗ trợ tuần hoàn: Ép tim ngoài lồng ngực.
+ Nếu có máy sốc điện thì tiến hành đánh giá để sốc điện.
+ Kiểm tra mạch cảnh trong vòng 10 giây. Nếu không thấy mạch tiến hành ép tim ngoài lồng ngực ngay.
+ Ép tim ở 1/2 dưới xương ức, lún 1/3 – 1/2 ngực (5 – 6 cm với người lớn) đủ để sờ thấy mạch khi ép, tần số 100 – 120 lần/phút. Phương châm là “ép nhanh, ép mạnh, không gián đoạn và để ngực phồng lên hết sau mỗi lần ép”.
+ Tỷ lệ ép tim/thông khí là 30/2 nếu là người lớn hoặc người bệnh trẻ nhỏ, nhũ nhỉ có 1 người cấp cứu. + Tỷ lệ có thể là 15/2 đối với trẻ nhỏ hoặc nhũ nhỉ có 2 người cấp cứu.
+ Kiểm tra mạch trong vòng 10 giây sau mỗi 5 chu kỳ ép tim thổi ngạt hoặc sau mỗi 2 phút.
5. CẤP CỨU TẠI BỆNH VIỆN
5.1. Chuẩn bị người bệnh
– Nằm ngửa trên nền cứng.
– Monitor theo dõi.
– Hút đờm dãi.
– Gọi người hỗ trợ.
5.2. Chuẩn bị kíp cấp cứu ngừng tuần hoàn
– 1 bác sĩ có kinh nghiệm chỉ huy chung.
– 2 bác sĩ thực hành.
– 3 điều dưỡng: 1 phương tiện, dụng cụ, 1 thực hiện y lệnh, 1 chạy ngoài.
5.3. Chuẩn bị phương tiện, dụng cụ
– Tù cấp cứu ngừng tuần hoàn lưu động có đầy đủ trang bị cần thiết.
– Máy sốc điện: Một pha hoặc hai pha để chế độ monitor theo dõi.
– Thuốc thiết yếu: Adrenalin, amiodaron, magie sulfat, lidocain.
– Monitor theo dõi.
5.4. Các bước tiến hành
5.4.1. Các bước làm ngay
– Ép tim ngoài lồng ngực 100 – 120 lần/phút.
– Bóp bóng qua mask oxy liều cao 6 – 8 lần/phút.
– Tốc độ 30 lần ép tim/2 lần bóp bóng.
5.4.2. Đánh giá khả năng sốc điện
– Không có chỉ định sốc điện: Vô tâm thu hoặc hoạt động điện võ mạch.
+ Adrenalin 1mg tĩnh mạch mỗi 3 đến 5 phút.
+ Đặt mặt nạ thanh quản hoặc đặt nội khí quản.
– Có chỉ định sốc điện: Rung thất, nhịp nhanh thất không có mạch.
+ Sốc điện (Monophasic: 360 J, Biphasic: 150-200 J).
+ Ép tim ngoài lồng ngực trong vòng 2 phút, trước khi đánh giả lại nhịp tim.
+ Đặt đường truyền tĩnh mạch: Natri clorua 0,9%.
+ Adrenalin 1 mg tĩnh mạch mỗi 3 – 5 phút trước khi sốc điện lần 3.
+ Nếu nhịp nhanh thất hoặc rung thất kéo dài, trước khi sốc lần 3: amiodaron (cordaron) 300 mg tĩnh mạch chậm, có thể nhắc lại liều 150 mg. Hoặc lidocain (1- 1,5 mg/kg với liều đầu tiên, sau đó 0,5 mg – 0,75 mg/kg tĩnh mạch, tối đa là 3 liều hay đã đạt tới tổng liều 3 mg/kg). Magiê sulfat 2g tiêm tĩnh mạch nếu xoắn đình.
6. MỘT SỐ LƯU Ý KHI TIẾN HÀNH CẤP CỨU NGỪNG TUẦN HOÀN
– Ép tim mạnh và nhanh (100 – 120 lần/phút).
– Bảo đảm lồng ngực nở lại hoàn toàn giữa các lần ép tim.
– Hạn chế tối đa việc gián đoạn ép tim ngoài lồng ngực.
– Một “chu kỳ” hồi sinh tìm phối cơ bản bao gồm: 30 lần ép tim sau đó 2 lần thông khí.
– Tránh tăng thông khí quá mức khi tiến hành cấp cứu, bóp bóng 6 – 8 lần/phút.
– Xác định đúng vị trí và cố định tốt mặt nạ thanh quản hoặc ống nội khí quản.
– Thay đổi người ép tim cùng lúc khi tiến hành kiểm tra lại mạch.
– Tìm kiếm và xử trí các yếu tố có thể điều trị gây ngừng tuần hoàn.
7. PHÒNG BỆNH
Ngừng tuần hoàn thường xảy ra đột ngột, không dự đoán trước được. Tất cả mọi người, những người thực hiện cấp cứu, người thực hiện cứu hộ phải được tập luyện thành thạo và chuẩn bị sẵn sàng cấp cứu. Các cơ sở cấp cứu tại chỗ cần có các phương tiện và thuốc cấp cứu cần thiết cho cấp cứu ngừng tuần hoàn.