NGỘ ĐỘC NỌC CÓC

1. ĐẠI CƯƠNG

Cóc có thể gây độc trong toàn bộ vòng đời của nó, từ trứng, nòng nọc, các nhỏ, các trưởng thành. Tuyến độc của cóc nằm bao phủ toàn bộ ở da, ở tuyến mang tai. Khi bị đe dọa cóc có thể tăng áp lực trong tuyến và phun nọc thành tia cách xa vài mét. Độc tố của cóc là một phức hợp, thay đổi theo loài nhưng chủ yếu được chia thành hai nhóm: các amin (adrenalin, noradrenalin, bufotenin, dihidrobufotenin, bufotionin) và các dẫn xuất của steroid (cholesterol, ergosterol, g-sistosterol, bufotoxin, bufadienolid, argentinogenin, bufalin, bafarenogin, bufotalin, bufotalinin…). Trong đó chất bufodienolid và bufotoxin có cơ chế tác dụng giống như digitalis. Tăng kali máu là dấu hiệu nặng và là yếu tố tiên lượng tử vong. Bufotenin, dihidrobufotenin, bufotionin gây ảo giác. Indolealkylamin có tác dụng gây ảo giác, co cơ tử cung và co thắt ruột.

Nọc cóc được hấp thu tốt qua đường tiêu hóa, nồng độ đỉnh đạt sau 6 giờ, thể tích phân bổ lớn (5-10 L/kg), tăng lên ở người béo và người già. Nọc cóc chuyển hóa ở gan rất ít và đào thải nguyên vẹn qua nước tiểu. Thời gian bán thải từ 30 – 40 giờ và tăng lên khi bệnh nhân suy thận.

2. NGUYÊN NHÂN

Nhiễm độc toàn thân xảy ra khi ăn thịt cóc, gan và trúng cóc, trẻ em liểm cóc, cầm cóc khi da bị tổn thương hay ngậm cóc vào miệng. Dùng thuốc cường dương có thành phần chiết xuất từ nọc cóc, cây có digitalis.

Khi da bị tổn thương mà ta cầm cóc có thể gây ngộ độc. Nọc cóc phun vào mắt gây nguy hiểm.

3. CHẨN ĐOÁN

3.1. Triệu chứng

Thời gian xuất hiện triệu chứng: Sau ăn các triệu chứng xuất hiện muộn 1-2 giờ. Đầu tiên là các triệu chứng tiêu hóa, sau đó đến triệu chứng thần kinh và các triệu chứng khác, triệu chứng tim mạch xuất hiện muộn sau 6 giờ và tăng kali máu xuất hiện sau ăn 12 giờ. Các loạn nhịp nặng đe dọa tử vong thường xuất hiện trong vòng 24 giờ sau ăn. Nếu được điều trị các triệu chứng được cải thiện trong vòng 1-4 giờ nhưng phải sau 13 giờ mới ổn định vì nọc cóc có chu kỳ gan ruột, triệu chứng có thể tái phát sau 3-24 giờ sau điều trị, có thể kéo dài 8 ngày khi bệnh nhân bị suy thận.

– Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, tăng tiết nước bọt, đau bụng, bụng chướng, chán ăn, táo bón.

– Tim mạch: Nhịp chậm, ngừng xoang, bloc xoang nhĩ, bloc nhĩ thất mọi cấp độ rất thường gặp. Gặp đủ mọi loạn nhịp, ngoại trừ nhịp nhanh trên thất.

+ Độ blọc nhĩ thất tăng cùng với mức độ ngộ độc. Khoảng QT kéo dài, đoạn ST chênh xuống tương ứng với khoảng QT ngắn, tụt huyết áp, suy tim, ngừng tim.

+ Ở trẻ em: Gặp nhịp chậm, ngừng xoang nhĩ (dấu hiệu nặng ở trẻ nhỏ), rối loạn dẫn truyền, blọc nhĩ thất độ I.

+ Ở người lớn: Loạn nhịp thất, ngoại tâm thu thất một ổ hay nhiều ổ, nhịp nhanh thất, nhịp nhanh thất 2 hướng (Bidirectional tachycardia), rung thất.

+ Loạn nhịp nhĩ gồm: Ngoại tâm thu nhĩ, nhanh nhĩ, ít gặp flutter nhĩ và rung nhĩ. Blọc nhĩ thất độ 1, độ II, độ III, Mobitz type I, hiếm gặp hơn là Mobitz 2, bloc nhánh.

+ Tụt huyết áp.

– Thần kinh: Đau đầu, ngủ gà, chóng mặt, thờ ơ, sững sờ, yếu cơ, mất ngủ, kích thích, ngất, dị cảm, run, sảng, ảo giác, co giật, hôn mê. Đau dây thần kinh V (một phần ba dưới của mặt).

– Điện giải: Tăng kali (triệu chứng ngộ độc nặng), giảm magie, tăng canxi, giảm kali (hiếm gặp) thường gặp ở ngộ độc mạn.

– Hô hấp: Thở nhanh, thiếu oxy.

– Mắt: Rối loạn về màu sắc (nhìn mọi vật có màu vàng hoặc xanh lá cây, ít gặp hơn là mầu nâu, đỏ, trắng, xanh da trời). Chói mắt, nhìn thấy quầng, nhìn đôi, sợ ánh sảng, giảm nhân áp.

– Loạn nhịp thất và tăng kali máu có tiên lượng xấu. Không có kháng thể kháng digoxin (Digoxin Fab) thì nhịp nhanh thất có thể gây tử vong 50% và nhịp nhanh thất hai hưởng thì hầu hết tử vong.

3.2. Cận lâm sàng

Định lượng Glycosid tim sau ăn từ 6-8 giờ (không làm sớm hơn vì chưa đạt nồng độ đỉnh).

Điện giải đồ (chú ý kali máu, lúc đầu nồng độ kali có thể bình thường hoặc giảm, sau đó tăng sau khoảng 12 giờ), ure, đường, creatinin, khí máu động mạch.

3.3. Chẩn đoán mức độ của ngộ độc

Bảng 1: Mức độ nặng của ngộ độc nọc cóc

Ngộ độc nhẹ Ngộ độc trung bình Ngộ độc nặng
Đau bụng Rối loạn thị lực Loạn nhịp (đặc biệt loạn nhịp thất)
Buồn nôn Chóng mặt Tăng kali
Nôn Mệt mỏi Ngất
Chán ăn Lẫn lôn Hôn mê
    Tử vong

3.4. Chẩn đoán xác định

Có ăn thịt cóc, gan, trứng cóc hoặc các sản phẩm từ cóc.

Có triệu chứng ngộ độc.

3.5. Chẩn đoán phân biệt

Chẩn đoán phân biệt với ngộ độc các thuốc chẹn kênh canxi, chẹn beta, thuốc chủ vận alpha (clonidine) cũng gây bệnh cảnh nhịp chậm, giảm huyết áp. Cần xét nghiệm digoxin máu để phân biệt.

4. ĐIỀU TRỊ

Bao gồm các biện pháp hồi sức, điều trị đặc hiệu và các phương pháp thải độc.

4.1. Các biện pháp hồi sức

– Đảm bảo hô hấp, tuần hoàn: Thở oxy, đặt nội khí quản, thở máy khi cần.

– Điều trị nhịp chậm: Atropin. Liều người lớn 0,5-1mg TMC mỗi 5 phút. Trẻ em 0,02mg/kg mỗi 5 phút, liều tối đa là 1 mg ở trẻ em, 2 mg ở người lớn.

– Magie sulfat chỉ định khi nhịp nhanh thất và các loạn nhịp thất ngay cả trường hợp magie máu bình thường. Liều trẻ em: 100-200 mg/kg (dung dịch 50%), pha vào 100 ml truyền TM từ 1-10 phút, tối đa 2g. Người lớn 2g pha trong 100 ml truyền TMC từ 1-10 phút. Chống chỉ định: Nhịp chậm, block AV.

– Điều trị ngoại tâm thu thất bằng Lidocain: Liều người lớn 1-1,5 mg/kg bolus tĩnh mạch, sau đó duy trì liều 1-4mg/phút, có thể dùng liều bolus lần 2 sau lần một 15 phút. Trẻ em bolus liều 1mg/kg, duy trì 30-50 mcg/phút.

– Điều trị các nhịp nhanh thất, loạn nhịp dai dẳng bằng Phenytoin liều: trẻ em liều 1,5mg/kg TMC trong 5 phút, sau 5 phút có thể nhắc lại, tối đa 15 mg/kg. Người lớn: 100 mg TMC trong 5 phút, sau 5 phút có thể nhắc lại, tối đa 15 mg/kg. Chống chỉ định của phenyltoin là bloc nhĩ thất độ II, III.

– Không dùng các thuốc chống loạn nhịp nhóm IA và IC do tác dụng trên dẫn truyền nhĩ thất. Khi có loạn nhịp nặng ảnh hưởng huyết động có thể đặt máy tạo nhịp tạm thời.

– Điều trị tăng kali máu:

Lúc đầu có thể kali máu giảm hoặc bình thường, tăng kali có thể xuất hiện muộn tới 12 giờ. Kali máu > 5 mEq/l nên được điều trị bằng kháng thể kháng digoxin. Nếu không có digoxin Fab dùng insulin-glucose ưu trương, bicarbonat, và albuterol. Không dùng canxi vì có thể gây loạn nhịp.

– Insulin nhanh: 10 UI pha trong 50 ml glucose 50% truyền tĩnh mạch nhanh, trẻ em 0,1UI/kg pha trong 5ml/kg glucose 10%, bắt đầu có tác dụng trong 15 phút và kéo dài 6-8 giờ.

– Albuterol (salbutamol): 10-20 mg khi dung trong vòng 15 phút hoặc 0,5 mg pha trong 100 ml glucose 5% truyền TM trong 15 phút (sau 15 phút có tác dụng và kéo dài 3-6 giờ).

– Natribicarbonat: truyền 2-4mEq/phút.

-Natripolystyren sufonate: 25-50 mg pha trong 100 ml sorbitol 20% uống hoặc 50g trong 200 ml sorbitol 30% thụt gửi hậu môn.

– Lọc mẫu: Thận nhân tạo nếu huyết động ổn định hoặc lọc máu liên tục nếu huyết động không ổn định.

– Điều trị toan chuyển hóa: Truyền bicarbonat cho đến khi bình thường hỏa nồng độ bicarbonate huyết thanh và cần theo dõi kali.

– Đặt máy tạo nhịp trong trường hợp không đáp ứng với thuốc điều trị chống loạn nhịp.

– Khi không có kháng thể kháng digoxin, điều trị hồi sức là quan trọng nhất, cần theo dõi chặt chẽ điện tim, huyết áp, điện giải đồ, khí máu động mạch

4.2. Điều trị đặc hiệu

Kháng thể kháng digoxin (Digoxin Fab)

– Chỉ định:

+ Huyết động không ổn định.

+ Loạn nhịp đe dọa tính mạng, nhịp chậm nặng, nhịp nhanh thất, rung thất, vô tâm thu, bloc nhĩ thất dộ II,III, mobitz II.

+ Kali máu > 5 mEq/l.

+ Có bằng chứng của thiếu máu tạng (suy thận, rối loạn ý thức).

+ Nồng độ digoxin máu sau uống 6 giờ > 20 nmol/l (15,6ng/ml).

– Liều và cách dùng:

+ Khi ngộ độc nặng có rối loạn huyết động thì liều từ 10-20 lọ (400-800 mg).

Bắt đầu 10 lọ truyền trong vòng 30-60 phút, nếu cải thiện triệu chứng cho thêm 10 lọ nữa.

+ Trong trường hợp sắp ngừng tuần hoàn thì cần truyền tĩnh mạch nhanh. Nhắc lại liều trong vòng vài giờ nếu triệu chứng tái lại hoặc không cải thiện.

+ Điều trị theo kinh nghiệm: nếu bệnh nhân có huyết động ổn định dùng 5 ống, nếu tụt huyết áp dùng 10 ống. Nhắc lại liều 5 ống mỗi 30 phút cho tới khi ổn định.

+ Cách pha một liều trong 100 ml natriclorua 0,9% truyền trong 30 phút.

– Một số lưu ý: Nếu ngưng tim thì tiêm tĩnh mạch 20 ống digoxin Fab đồng thời với cấp cứu ngừng tuần hoàn.

Nồng độ digoxin sau dùng digoxin Fab trong máu vẫn cao vì các biện pháp đo nồng độ digoxin đều đo cả hai nồng độ digoxin tự do và digoxin gắn Fab.

Không dùng cănci để điều trị tăng kali máu vì digoxin đã làm tăng cancitrong tế bào cơ tim.

4.3. Các phương pháp tăng thải độc

– Than hoạt: 1-2g/kg ở trẻ em, người lớn 50-100g. Có thể cho than hoạt đaliều vì digitalis có chu trình gan ruột và ruột – ruột.

Cholestyramin: Có tác dụng làm ngừng quá trình tái hấp thu digoxin tại chu trình trên. Liều 4 gam chia 2 lần.

– Đặt xông dạ dày và rửa dạ dày: Không dùng nhất là khi có loạn nhịp vì có thể gây ra nhịp nhanh thất và vô tâm thu.

– Rửa ruột toàn bộ: không được khuyên dùng.

Mắt: bị nọc cóc bắn vào: Rửa bằng nước muối hoặc nước sạch trong 15 phút, sau đó gửi khám chuyên khoa mắt.

Các biện pháp lọc máu ngoài cơ thể không làm tăng đào thải được digoxin bao gồm lọc máu hấp phụ, lọc máu ngắt quãng. Tuy nhiên thực tế cho thấy vài trường hợp thành công khi phối hợp giữa digoxin fab với thay huyết tương ở bệnh nhân suy thận.

– Theo dõi:

+ Theo dõi bệnh nhân chặt chẽ điện tim trong vòng 12-24 giờ vì các triệu chứng có thể xuất hiện muộn.

+ Điện giải đồ: Kali máu (suy thận).

+ Đo nồng độ glycosid tim.

+ Rối loạn màu: Nhìn thấy màu vàng, màu như cầu vồng.

5. TIÊN LƯỢNG VÀ BIẾN CHỨNG

Phụ thuộc vào mức độ của ngộ độc, vào mức độ loạn nhịp thất, kali máu > 5 mmol/L, có tụt huyết áp.

6. DỰ PHÒNG

Không nên ăn thịt cóc và các sản phẩm làm từ cóc.